Tổng Công ty Xi măng bị thanh tra

Theo quyết định thanh tra số 179 vừa được Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường ký ban hành thực hiện thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Vicem Hà Tiên.

Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp, hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.

Thời kỳ thanh tra là năm 2023 và những vấn đề có liên quan tới thời gian thanh tra. Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra tại đơn vị.

Tổng Công ty Xi măng bị thanh tra ảnh 1
Năm 2023, Tổng Công ty Xi măng lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của Vicem, trong 6 tháng đầu năm tổng công ty sản xuất được 7,63 triệu tấn clinker, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm nay của Vicem ước đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vicem, năm 2023, doanh nghiệp này lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi gần 642 tỷ đồng. Nguyên nhân cho khoản lỗ lớn của Vicem chủ yếu đến từ việc doanh thu đã giảm mạnh trong năm vừa rồi.

Tại hội nghị tổng kết hồi đầu năm, Tổng Giám đốc Lê Nam Khánh cho biết doanh thu và lợi nhuận không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022. Nguyên nhân là Vicem và các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu khả quan nhưng diễn biến thực tế cho thấy nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp, sản lượng tiêu thụ sụt giảm, làm tăng chi phí cố định.

Ban lãnh đạo Vicem cho rằng 2023 là “năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ”. Ảnh hưởng tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò. Xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời cũng gây áp lực cho Vicem do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. Vicem quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm.

Hệ sinh thái nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai… Tuy nhiên, Vicem vẫn có không ít công ty con hoạt động bê bết, nợ đầm đìa. Trong báo cáo tài chính năm 2023, nhóm kiểm toán viên chỉ ra khả năng hoạt động liên tục của các đơn vị Vicem Tam Điệp, Vicem Sông Thao và Xi măng Hạ Long phụ thuộc vào việc cải thiện hoạt động kinh doanh và thu xếp nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Đánh giá post này: